1/1/12

LỊCH SỬ CÁC BÀI THÁNH CA - Phần 4

 
 
 "Hễ tôi sống bao lâu, tôi sẽ hát xướng cho Đức Giê-hô-va bấy lâu;
Hễ tôi còn chừng nào, tôi sẽ hát ngợi khen Đức Chúa Trời tôi chừng nấy." 
Thi 104:33



Thánh ca 82: CUNG ĐIỆN BẰNG NGÀ
“Ivory palaces"




“Kìa áo Chúa thơm không chi sánh kịp được, vì đã tẩm trong một dược; mùi hương bay vào tâm tôi phảng phất thơm, tưởng đứng trên đồi hương nam. Lìa đền bằng ngà Ngài hạ giáng nơi trần, đây nơi ti ô trăm phần, vì lòng đại từ nên Chúa ra đi, bỏ bửu cung tiếc gì.”
Billy Graham kể lại rằng thánh ca nổi tiếng “Cung điện bằng ngà” được viết rất gần nơi ông ở, vùng núi North Califonia. Mùa xuân năm 1915, nhà truyền giáo Chapman đang giảng tại Montreat, cùng với ông có nhạc trưởng Alexander, đơn ca A. Brown và người đàn dương cầm H. Barraclough.
Barraclough, tác giả của bài hát này, là người Anh 24 tuổi, đã gặp Chapman năm trước trong lúc truyền giảng tại Anh quốc.
Trong một buổi tối Chapman nói về Thi 45. Ông tin rằng và Billy Graham cũng vậy, đây là Thi Thiên tiên tri về sự tương giao giữa Christ là chàng rễ và cô dâu là Hội thánh.
Câu 8 là bài giảng của Chapman: Thuốc thơm và nước hoa Đông phương được dùng nhiều cách, được đổ trên quần áo để mùi hương tỏa ra như là từ chính hàng vải. “Một dược” và nước hoa thơm lạ, được đồng hóa với sự khoái lạc và vui mừng, biểu tượng cho vẻ đẹp của Christ - Vẻ đẹp lôi kéo chúng ta đến với Ngài. “Trầm hương” được dùng để ướp, gợi nhớ Chúa Giê Xu có nhiều đau buồn trong cuộc đời tại thế, điểm cao là cái chết sĩ nhục và đau đớn trên thập tự giá. “Nhục quế” được dùng như thuốc xoa, Giê Xu Christ như là dầu thoa, chữa lành những vết thương của tội lỗi khi chúng ta nhìn Ngài trong sự ăn năn.
Sau buổi tối thờ phượng, Alexander và Barraclough cùng vài anh em đi xe về quán trọ YMCA Blue Ridge. Ngồi băng trước, chàng Barraclouh suy nghĩ đến sứ điệp, và 4 câu ngắn của điệp khúc hiện ra trong óc chàng. Khi họ ngừng tại 1 quán làng nọ, chàng nhanh chóng viết ra trên một tấm thiệp nhỏ, miếng giấy duy nhất có sẵn. Trở về quán trọ, chàng sáng tác 3 câu đầu sử dụng đại ý của sứ điệp của Chapman. Sáng hôm sau, bà Alexander và ông Brown tôn vinh bài hát mới trong buổi họp tại Montreat.
Về sau, tiến sĩ Chapman đề nghị Barraclough thêm vào đoạn 4 nhắc nhở chúng ta rằng một ngày kia Christ sẽ trở lại mặc áo vinh hiển. Tôi tin rằng suốt cõi đời đời, chúng ta sẽ được nhắc về vẻ đẹp của Chúa, sự thương khó vì chúng ta, và sự tha thứ và tẩy sạch mà Ngài dự bị cho chúng ta.
Henry Barraclough không phải là nhạc sĩ sáng tác nhiều bài hát. “Đền ngà” là bài duy nhất nổi tiếng và được hát khắp thế giới. Sau cái chết của Chapman, Barraclough nhận Mỹ quốc, xứ sở của Chapman làm quê hương mình. Chàng cũng gia nhập hệ phái của Chapman (Presbyterian) và hầu việc Chúa gần 40 năm trời.
Quý độc giả cũng thích thú mà biết rằng chính Albert Brown, một trong song ca đầu tiên hát “Cung điện bằng ngà” đã giới thiệu Cliff, Barrows cho Billy Graham năm 1945. Lúc ấy Billy Graham đang giảng đạo tại North Carolina cho nhóm trẻ khi người hát hôm ấy không đến, ông Brown đề nghị Billy Graham mời hai nhạc sĩ trẻ là Cliff và Billic Barrows đang ghé thăm trên đường đi hưởng tuần trăng mật, đó là khởi đầu của nhiều năm cùng nhau hầu việc Chúa cùng với Billy. Trong các chiến dịch truyền giảng của Billy Graham, Bev. Shea thường hát bài này, lắm lúc cùng với Cliff Barrows và ban hát. Họ không tưởng rằng thiên đàng sẽ thật có các đền ngà, đây chỉ là trí tưởng tượng được dùng để mô tả vẻ đẹp nhà Chúa chúng ta, nơi mà Ngài đã lìa bỏ để sống giữa loài người trên mặt đất này. Mỗi lần nghe điệp khúc này, chúng ta cảm thấy sự thấp kém của Chúa Giê Xu. Ngài là đối tượng của sự tôn thờ nơi thiên đàng, cam chịu hạn hẹp và thống khổ trong thân người. Tại sao thế ? Vì Ngài yêu chúng ta đến nỗi....
Lìa đền bằng ngà
Ngài hạ giáng nơi trần
Vì lòng đại từ
Nên Chúa ra đi


Thánh ca 84: ÁNH SÁNG CỦA THẾ GIỚI DUY JESUS
"The light of the world is Jesus"




“Toàn dân trên đất đắm trong tội đêm dài tăm tối, sự sáng của thê giới duy Giê-xu; hào quang chân Chúa giống mặt trời trưa hè đang chói, sự sáng của thế giới duy Giê-xu. Anh em đến ngay, Giê Xu liền soi sáng, như tâm của tôi bữa nay thật quang đãng. Xưa lòng này đui, rày nhờ Ngài được sáng, ánh sáng của thế giới duy Giê-xu.”
Philip Bliss khi soạn lời bài này ông đang suy nghĩ về thế giới đắm chìm trong đêm dài tuyệt vọng. Tội lỗi ngăn cách loài người với Đức Chúa Trời. Vì lòng yêu thương vô bờ, Thiên Chúa đã xuống trần làm người để hoàn thành công cuộc cứu rỗi nhân loại. Sự sáng đã đến thế gian mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng vì việc làm của họ là xấu xa. Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng. Chúa Giê Xu phán : “Ta là sự sáng của thế gian” Chúa mang ánh sáng của tình yêu đến trần thế cho con người đang hư mất mà sự chết và âm phủ chờ đợi. Những tâm hồn tìm đến Giê Xu sẽ bước đi trong ánh sáng do chính Ngài đưa đường, sẽ được chiêm ngưỡng hào quang của Thiên Chúa rực rỡ như mặt trời không hề tắt.
Đấng yêu thương hằng dẫn dắt tâm linh tôi suốt lối hiểm nguy. Lòng quang đãng không phút giây tuyệt vọng như ngày xưa lầm lạc. Cuộc đời tối tăm không mục đích, nay nhờ Chúa soi sáng đổi mới tâm hồn. Đôi mắt bị mây mù tội lỗi che kín, nay được sáng nhờ linh quyền Thiên Chúa, Ngài là sự sáng của cuộc đời tôi, là hạnh phúc và bài ca của tôi. Ánh sáng của thế giới duy Giê Xu.


Thánh ca 87: KÌA CHÍN MƯƠI CHÍN CON
“The ninety and nine”




“Kìa chín mươi chín con nằm bình yên, trong bốn vách tường ràn chiên, một con bơ vơ nơi dốc núi xa, xa cách cửa vàng nhà Cha. Ngơ ngác quẩn quanh non núi gốc gai, vắng bóng Cứu Chúa, người chăn êm ái, vắng bóng Cứu Chúa dìu dắt đêm ngày.”
Bài thánh ca này được soạn ra bởi sự kỳ diệu của một phút xuất thần, Thánh Linh luôn ban cho tâm hồn người yêu mến Chúa những giây phút cãm động sâu xa. Quyền năng nhiệm mầu của Thiên Chúa luôn làm cho những điều tầm thường nhất trở nên phước hạnh nhất cho mọi người. Ira D.Sankey sáng tác một nhạc điệu ứng khẩu cho một bài thơ mới ngay lúc tình thế thúc bách do một tiếng nói bên trong đã thúc giục ông khiến cho bài Thánh ca phổ biến này đã ra đời đúng lúc.
Nhiều năm về trước, một thanh niên trụy lạc bỏ gia đình mình ở Anh qua làm ăn ở Canada. Ở đó anh ta vẫn vùi mình uống rượu, cờ bạc. Cuộc sống kéo dài như vậy một thời gian. Một buổi tối mùa Đông, anh say rượu và trượt chân ngã ngoài đường khi đi về nhà. Anh không đứng dậy được và qua đời vào ngày hôm sau. Hung tin ấy đồn về gia đình bên Anh nhưng chẳng khiến ai xúc động. Hình như ai cũng muốn anh qua đời.
Tuy nhiên cô em ruột của anh, Elizabeth C. Clephan (1830 – 1869), 1 thiếu nữ hết lòng yêu mến Chúa, yêu người, và nhất là rất yêu anh Andrew hoang đàng này. Cô đã cầu nguyện cho anh cô từ lâu. Khi nghe tin anh cô qua đời, cô vô cùng đau đớn. Cô vào phòng riêng đóng cửa lại và cầu nguyện. Cô nhớ lời kinh thánh trong Luca 15 : 3-7. Đúng rồi, chẳng lẽ ân điển Ngài không đủ để chia xẻ cho con chiên lạc đường sao ? Chẳng lẽ Ngài đã thỏa mãn vì còn 99 con chiên trong chuồng sao ? Sau một hồi lâu, cô dường như nhận được sự trả lời, nét mặt hớn hở, cô đứng dậy, lấy giấy bút và viết ra những cảm nghĩ của mình : bài thơ “Kìa chín mươi chín con”.
Cô cất tờ giấy vào trong tủ áo. Khi cô qua đời, người ta tìm thấy, đọc và cảm động nên gởi đi đăng báo. Chúa cho David Sankey đọc được và phổ nhạc.
Quả thật, Sankey tự nhiên tìm được một điệu nhạc phù hợp với lời thơ khi ông ngồi ở chiếc đàn organ thùng trước cử tọa hàng ngàn người tại đại sảnh tự do ở thủ đô Edingburgh xứ Tô Cách Lan vào buổi trưa năm 1874.
Sau 4 tháng để nhiều sức lực hội họp, giảng luận tại Glasgow, ông và Dwight L. Moody đang trên đường đến Edinburgh để tổ chức 1 chiến dịch giảng Tin Lành theo lời mời tha thiết của hội các nhà truyền đạo. Ngay trước khi lên xe lửa Sankey mua một tờ tuần báo giá 1 xu với chút mộng tưởng rằng đó chắc là đồng xu tốt nhất mà ông bỏ ra. Lướt qua vài tin tức ở quê nhà, ông chẳng tìm thấy gì có dính dáng tới Hoa Kỳ, ngoại trừ một bài giảng của Henry Ward Beecher. Chán nản, ông quẳng tờ báo xuống và một lúc sau ông lại nhặt nó lên chỉ cốt ý giết thì giờ bằng cách đọc những dòng quảng cáo. Chính lúc ấy ông tìm thấy 1 bài thơ nằm trong 1 cột báo mà ông đã bất cẩn bỏ qua trong lần đọc đầu tiên. Ông đọc, cảm thấy thích và quả quyết rằng nếu được ai phổ nhạc thì bài thơ ấy làm cảm động người nghe. Khi Sankey đọc cho Moody nghe, nhà truyền đạo không chuyên nổi tiếng nầy chỉ gật đầu nghe cách lịch sự, bởi ông đang mải mê đọc mấy bức thư gia đình gởi sang từ Hoa Kỳ, đến mức chẳng còn tâm trí nào mà nghe lấy 1 chữ gì. Dầu thế, Sankey cứ cắt bài thơ ra và để nó trong quyển ghi nhạc của ôâng.
Vào buổi thờ phượng lúc trưa ngày thứ nhì của đợt giảng đặc biệt ở Edinburgh, Moody giảng về đề tài “Người chăn chiên hiền lành”. Tiếp theo sứ điệp của ông, Tấn sĩ Horatius Bornar, tác giả TC “Tôi nghe tiếng Chúa phán”, và những bài phổ biến khác nữa, nói vài lời làm người nghe xúc động. Bởi tài hùng biện của ông. Khi Tấn sĩ Bonar ngồi xuống, Moody quay sang nhà lãnh đạo ban hát của mình hỏi “Anh có bài đơn ca kêu gọi nào thích hợp với chủ đề nầy để kết thúc buổi nhóm không ?” Sankey thú thật rằng ông hoàn toàn chẳng có. Chính ngay giây phút đó, “tiếng nói bên trong” bảo : Sankey, hãy hát bài Thánh ca con bắt gặp trên xe lửa”. Ông trả lời : “Điều đó không thể được, bài đó chưa có nhạc”. Nhưng giọng ấy cứ nhất định như vậy. Sankey phản kháng : “Con có thể hát dở khổ thơ đầu, nhưng phần còn lại thì sao ?”. Giọng ấy trả lời : “Con lo khổ thơ đầu, phần còn lại để cho ta”.
Bình thản như thể ông đã hát bài ấy cả ngàn lần, Sankey đặt mảnh báo trên cây đàn ngang trước mặt ông, hướng lòng lên trong lời cầu nguyện ngắn ngủi, rồi đặt tay lên phím, đàn dạo hợp âm la thứ. Với giọng nửa nói, nửa hát, ông đi qua khổ thơ đầu. Kìa chín mươi chín con nằm bình yên. Trong bốn bức tường ràng chiên.
Một con bơ vơ nơi dốc núi xa. Xa cách cửa vàng nhà cha.
Ngơ ngác quẩn quanh, non núi gốc gai. Vắng bóng Cứu Chúa người chăn êm ái, Vắng bóng Cứu Chúa dìu dắt đêm ngày. Với tinh thần trông chờ lặng lẽ, cả hội chúng lắng nghe ông hát hết 5 lời của bài Thánh ca mới tuyệt diệu này. Khi những âm thanh cuối cùng của dòng chót “Vui quá đã tìm được chiên” chấm dứt, Moody đi qua cây đàn organ, hỏi Sankey với cặp mắt đẩm lệ :
– Anh lấy bài hát đó ở đâu vậy ?
– Đó là bài tôi đọc cho anh nghe hôm qua trên xe lửa. Từ ngày ấy đến nay, bài Thánh ca “Kìa chín mươi chín con” chẳng thay đổi nhiều. Điệu nhạc của Thánh ca ấy đã trở thành nhạc khúc nổi tiếng. Ngày nay phổ biến hơn trong các giờ tôn vinh Chúa của nhiều Hội Thánh trên thế giới.
Sankey trình bày Thánh ca “Kìa chín mươi chín con” lần đầu tiên vào năm 1874, quyển sách có bài trên được xuất bản năm 1955.


Thánh ca 92: TA HY SINH VÌ CON HẾT
“I give my life to thee”




“Ta hi sinh vì con hết, huyết tuôn tim này tan tành, đem con ra từ nơi chết, chuộc tội đặng con lại sanh. Ta đã phó tánh mạng cho con rồi, phó chi cho Ta con ôi?”
Bài Thánh ca quí báu này được Frances Redley Havergal sáng tác. Cô sanh ngày 14/12/1836 tại Anh Quốc. Cha cô là một Mục sư. Cô rất vui tính và thích hoạt động. Niềm vui của cô được biểu lộ qua sự ham thích ca hát... Cô bước vào lãnh vực thi phú năm 7 tuổi. Cô học nhạc và trở nên một nhạc sĩ dương cầm. Năm 11 tuổi, một việc buồn đưa đến cho Frances : Mẹ cô qua đời. Bốn năm sau, vào lúc đang quì gối cầu nguyện, đời cô cảm thấy tươi sáng vì cô đã gặp được Giê-Xu Christ là “Mặt trời công nghĩa”.
15 năm sau khi viết bài Thánh ca nầy, Frances thuật lại rằng : “Vâng, bài Thánh ca Ta hy sinh vì con hết là của tôi, và có lẽ thật rất hào hứng nếu bạn được biết thế nào bài ấy đã ra đời và hầu hết thế giới đều biết đến. Đó là bài đầu tiên của tôi được liệt vào hàng Thánh ca. Tôi sáng tác bài ấy từ năm 1859, lúc tôi còn là một thiếu nữ rất trẻ. Tôi không nhớ rõ, lúc đó tôi như thế nào nữa. Tôi sống trong sự nghi ngờ và sợ hãi. Tôi tưởng tôi đến với Giê-Xu bằng một đức tin run rẫy. Tôi chưa bao giờ hiểu rõ về Ngài, và chưa cảm biết thật được Ngài yêu mến.
Trong một thời gian, cô ở tại nhà một viên chức người Đức. Một ngày nọ, cô trở về nhà trông rất mõi mệt và yếu đuối. Cô ngồi xuống ghế, trên bức tường đối diện có treo hình Chúa Giê Xu bị đóng đinh trên thập tự giá, phía dưới ghi hàng chữ : “Ta chịu điều này vì con, con đã hiến gì cho ta ?” Khi đọc xong dòng chữ này thì những vần thơ đến trong trí cô :
“Ta hy sinh vì con hết... Phó chi cho ta con ôi ?”?
Cô kể tiếp : “Tôi viết vội bài thơ ấy vào một tờ giấy cũ. Tôi đọc lại và tự nghĩ :
“Chẳng có vẻ gì là thơ hết, không cần viết lại làm gì”. Tôi ngồi xuống bên lò sưởi. Bỗng nhiên tôi bỏ tờ giấy vào túi. Sau đó tôi đến thăm một bà lão ở trại tế bần. Tôi lấy bài thơ đọc thử cho bà lão nghe. Bà vốn là người yêu mến Chúa. Luôn nói về Chúa, về sự thương yêu của Ngài. Nghe tôi đọc xong bài thơ, bà tỏ ra rất thích thú, nên tôi chép lại và cất đi.
Trong khoảng 42 năm sống trên đất, cô luôn gặp sự đau yếu. Dầu vậy cô cứ đứng vững trong Chúa. Từ khi mắc bịnh, cô đã bắt đầu ao ước được gần Chúa Giê Xu. Cô coi Chúa là quí hơn cả thế gian và Chúa thuộc về cô là quí báu vô cùng. Lúc bắt đầu đau ốm, cô viết câu : “Huyết Chúa Giê Xu, Con Ngài làm sạch mọi tội lỗi” (IGiăng 1 : 7). Câu này được treo trong phòng cô và được khắc vào phần mộ của cô, theo lời cô yêu cầu.


Thánh ca 95: GIỜ ĐƯỢC CHIÊM NGƯỠNG THẬP GIÁ
“When I survey the wondrous cross”




“Giờ được chiêm ngưỡng thập giá quí hoá. Nơi Đông cung thánh xưa chịu hình đây. Lòng thật coi phú quí thảy lỗ cả, quyết bỏ hết kiêu ngạo tâm tánh này.”
Tác giả bài Thánh ca này là Isaac Watts mà chúng ta đã được biết trong phần tiểu sử của bài Thánh ca 44 và 54. Ông sinh năm 1674 và qua đời năm 1748. Isaac Watts đã viết bài nầy tại nơi ông dưỡng bịnh. Thân phụ ông là một chấp sự của một Hội thánh tại Anh Quốc. Isaac Watts có tài năng về âm nhạc, nhưng đến năm 18 tuổi ông mới được Cha ông khuyến khích và bắt đầu nghiên cứu âm nhạc. Sau ông được kêu gọi hầu việc Chúa, nhưng thường đau ốm nên nghỉ hưu sớm. Ông dưỡng bịnh suốt 36 năm. Bài “Giờ được chiêm ngưỡng Thập giá” ông viết theo ý Gal 6 : 14 (tôi hẳn chẳng khoe mình trừ ra khoe mình về Thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ (ICor 2 : 2).
Vào một buổi tối, tiến sĩ William M. Taylor truyền giảng cho một xóm dân lao động nghèo ở Luân Đôn, 1500 thính giả hát bài ca nầy với một tấm lòng kỉnh kiền, thành thật. Khi vừa hát xong, Thánh Linh thăm viếng họ, ai nấy đều dâng lên lời cầu nguyện, ăn năn, khóc lóc. Trong cơn phấn hưng ở xứ Wales, hầu hết các buổi nhóm, người ta đều chọn hát bài Thánh ca này. Trong một buổi nhóm khác ở Luân Đôn, ông Torry và Alezander hướng dẫn, ông chỉ hát một câu:... “Nhìn đầu tay chân Chúa, cám cảnh bấy, yêu thương bi đát chung hòa giọt rơi. Từ nghìn xưa chẳng ai sánh cảnh ấy. Há thấy mão miện bằng gai khác đời ?....” Khi vừa dứt tiếng hát, khoảng 300 người dự nhóm tiếp nhận Chúa. Danh tướng Anh Quốc là Edward Robert rất buồn khi phải đi theo vợ dự một buổi truyền giảng. Nhưng hôm sau Bà bận việc, ông lại đi một mình. Ông làm chứng lại rằng : “Dầu tôi có nói với quí vị thật nhiều, từ giờ cho đến ngày mai, quí vị cũng không hiểu hết được niềm cảm xúc sâu xa của tôi khi tôi hát câu thứ ba của bài ca nầy. Vừa hát xong tôi quì ngay xuống, nước mắt tuôn tràn. Chưa bao giờ tôi khóc như thế. Hoàn toàn do tình yêu của Chúa cảm động lòng tôi.
Đến giờ cầu nguyện tin Chúa tôi mới cố gắng bước lên tòa giảng. Vợ tôi cầu nguyện đổ nước mắt cho tôi cả 8 năm rồi.
Issac Watts viết bài này dường như ông đang đứng dưới chân thập tự của Đấng Christ. Cùng với ông chúng ta không thể làm gì hơn ngoài việc kinh ngạc trước cảnh tượng “Con vua Thiên đàng” bị đóng đinh vào cây gỗ vì loài người tội ô. Chúa Giê Xu chết vì tội tôi. Vì tội tôí! Ngài phải chịu đau thương. Bằng đôi mắt vượt thời gian, chúng ta thấy máu đỗ ra từ vết thương của Ngài cùng với nỗi đau đớn của Ngài vì cớ chúng ta.


Thánh ca 111: CHÚA SỐNG
“He lives”




“Hầu việc Giê Xu Đấng sống nay, ngự trong dương thế rõ ràng; Lòng biết chắc Chúa sống trăm phần, mặc ai đa nghi vấn nan; lời Ngài tôi nghe thoả thích thay, nhìn tay thương xót rõ ràng, Ngài hằng gần tôi khi nhu yếu, phỉ phu mọi đàng. Ngài sống. Ngài sống. Chúa Giê Xu sống hiện rày! Đi chung trò chuyện suốt lối hẹp hòi, tâm tôi vui mừng thơ thái; Ngài sống. Ngài sống, để ban ơn cứu ta đấy; Nếu hỏi chứng cớ Chúa sống đâu nào, rằng Chúa sống trong lòng này.”
Năm 1933, trong một chiến dịch truyền giảng, một thanh niên Do Thái đi dự nhóm nhiều lần. Đêm cuối cùng, ông hỏi MS. Ackley : “Giê Xu có thần tánh không? MS. Giải thích cho anh và khuyên anh tiếp nhận Đấng Christ sống lại làm Cứu Chúa của anh. Anh nói : “Tại sao tôi phải tiếp nhận một người Do Thái đã chết rồi? Ông MS. trả lời ngay : “Ngài sống”. Người thanh niên hỏi tiếp : “Tại sao ông biết rằng Ngài sống ?” MS Ackley dùng 3 điều để chứng minh : một là Kinh thánh, hai là lịch sử, ba là kinh nghiệm.
Thế nhưng câu hỏi làm sao ông biết rằng Ngài sống vẫn thường đeo đuổi trong trí ông. Sau này, bởi sự cảm động của Thánh Linh, ông MS. Ackley đã sáng tác bài Thánh ca. Ngài sống. Chứng cớ Chúa sống lại : Ngài đã sống trong lòng tôi, và làm Cứu Chúa của tôi.


Thánh ca 154: LỜI DỊU DÀNG
“Wonderful words of life"
 



“Tôi xin anh hãy ca thêm lên đi, lời thiêng liêng của sanh mạng; Cho tôi nghe thấy ý nghĩa tinh vi, lời thiêng liêng của sanh mạng. Lời dịu dàng ban vĩnh sinh, hằng giục lòng tin sắt đinh; Ôi lời dịu dàng! Ôi lời dịu dàng! Quí thay lời ban trường sinh.”
Philip Bliss là tác giả của nhiều bài Thánh ca, trong số đó có một bài mà khi sáng tác xong, ông không thấy hài lòng chút nào về lời nhạc và ông bỏ quên trong nhiều năm.
Sau khi ông qua đời, một nhà soạn nhạc của Hội Thánh là George C.Stabbins đã đem bài hát này giới thiệu với Hội Thánh. Mọi người đều cho rằng đây là một bài ca mẫu mực nói về Kinh Thánh. Mỗi một câu trong bài Thánh ca đều nói đến sự kỳ diệu của lời Đức Chúa Trời.
Nhiều người nhận xét rằng khi sáng tác bài này, Philip Bliss đã thật sự được Đức Thánh Linh cảm động. Chúa đã dùng ông để truyền đạt lời Kinh Thánh đến những cuộc đời còn tăm tối không có ánh sáng của sự cứu rỗi. Chỉ nghe hát bài Thánh ca này, nhiều linh hồn tội nhân đã bị chinh phục và sẵn sàng tiếp nhận Chúa:
“... Tai nghe văng vẳng tiếng phước âm vang.
Lời thiêng liêng của sanh mạng.
Ban ơn tha thứ giúp sống khương an.
Lời thiêng liêng của sanh mạng.
Một Jesus Chân Chúa thôi.
Toàn quyền làm nên thánh tôi.
Ôi ! lời dịu dàng, quý thay lời ban trường sinh ....”


Thánh ca 171: VẦNG ĐÁ MUÔN ĐỜI
“Rock of ages” 




“Xin núp trong vầng đá muôn đời, vì tôi phải nứt ra Ngài ôi! Lòng mong suối huyết kia trào phun, từ hông vỡ Chúa xưa tràn tuôn. Nên những linh dược chữa muôn tội, trừ căn ác vốn hay hành tôi.”  Mục sư Augustus M. Toplady học trường Thần đạo Holy Trinity ở Ái Nhỉ Lan và hầu việc Chúa suốt đời. Ông được cứu bởi lời làm chứng của một tín đồ quê mùa. Điều lạ là người nầy kém học đến nỗi không viết được chính tên của mình. Nhưng Chúa đã dùng ông ta biến cải Toplady trở thành người truyền đạo.
Bài Thánh ca “Vầng đá muôn đời” của Toplady đã an ủi nhiều linh hồn đau khổ, buồn rầu và củng cố niềm tin cho nhiều người. Nhiều năm trước đây, một chiếc tàu buôn bị lâm nạn giữa biển khơi, trong số đó có hai vợ chồng ca sĩ danh tiếng. Lúc đầu, hai người đều có phao cứu cấp. Về sau, một người giựt mất cái phao của bà, bà phải bám vào lưng chồng mình. Họ lênh đênh trên biển một thời gian lâu, bà bảo : “Chắc tôi đuối sức mất”. Ông bảo : “Cố gắng một chút nữa đi, chúng ta cùng hát bài “Vầng đá muôn đời nhé”.
Khi họ hát, mọi người đều cảm thấy có sự thêm sức lạ lùng từ Thiên Thượng. Họ cùng cầu nguyện và tiếp tục cho đến khi một chiếc tàu Hải Quân đến cứu họ.
Bài Thánh ca nầy cứu nhiều người khỏi chết đuối. Nó còn cứu nhiều linh hồn hấp hối sắp bị diệt vong thoát khỏi hồ lửa nữa.

Thánh ca 202: CƠN MƯA PHƯỚC LÀNH
“There shall be showers of blessing”


“Từ trời dội một cơn mưa phước lành, lời vàng từ lòng yêu hứa ban, dồi dào nguồn phước mát mẻ hồn linh, do Giê xu tuôn tràn lai láng. Ấy mưa phước ơn dồi, chúng tôi đang mong chờ mưa ấy; Mới lác đác chung quanh vài giọt thôi, nguyền Ngài dội trận mưa lớn đây.” 
Trên bài Thánh ca in tên người viết lời là EL. Nathan, đó là bút hiệu của Major D. Whittle. Ông sinh ngày 22-11-1840 tại Mỹ. Trong cuộc nội chiến, ông nhập ngũ ở miền Bắc. Khi chiến tranh kết thúc, ông mang cấp bậc Thiếu Tá. Giải ngũ, ông làm việc ở một xưởng đồng hồ nổi tiếng. Nhưng lòng ông cứ bất an. Ở chiến trường, từng chứng kiến cảnh chết chóc, ông cảm thấy sự sống con người thật là mỏng manh, đời người nhanh chóng qua đi, thế mà nhiều linh hồn vẫn trầm luân trong tội lỗi. Năm 1873, ông quyết định dâng mình hầu việc Chúa. Lo việc truyền giảng, nhờ cậy Chúa bằng đức tin, lòng ông liền được bình an. Chúa ban phước thật nhiều cho ông, dùng ông dắt đưa nhiều người tin nhận Ngài. Ông thường đồng công với Moody, Sankey. Chúa cũng cho ông viết được nhiều bài thơ Thánh. Bài “Luôn mỗi phút” (TC 295), “Tôi biết Đấng tôi đang tin” (TC 262) và “Cơn mưa phước lành” đều do ông Whittle viết, là từng trải của một tác giả, cho ta thấy được đời sống đức tin của một người dâng mình trọn vẹn. Bài “Cơn mưa phước lành” dựa trên ý Thi Thiên 72:6. Tác giả cần có cơn mưa ơn phước của Chúa. Hãy yên lặng, suy nghĩ, hát và cầu nguyện cho chính mình và Hội thánh.
Ông Mc. Granahan (1840 – 1907) soạn nhạc bài Thánh ca nầy. Ông là một nhà âm nhạc hát giọng nam cao, được Chúa sử dụng nhiều.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))