23/12/11

LỊCH SỬ CÁC BÀI THÁNH CA - Phần 2

"Hỡi cả trái đất,
Hãy cất tiếng reo mừng cho Đức Giê-hô-va!
Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng,
Hãy hát xướng mà đến trước mặt Ngài.
Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời.
Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài;
Chúng tôi là dân sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài.
Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài,
Hãy ngợi khen mà vào hành lang Ngài,
Khá cảm tạ Ngài, chúc tụng danh của Ngài.
Vì Đức Giê-hô-va là thiện; sự nhân từ Ngài hằng có mãi mãi
                                                                                       Và sự thành tín Ngài còn đến đời đời." - Thi Thiên 100

Thánh ca 32: CẦU CHÚA Ở BÊN TÔI HOÀI
“Abide with me” 
“Chúa hỡi ở cùng tôi lúc kim ô lặn rồi, màn hoàng hôn bủa giăng, xin Ngài ngự bên tôi; Lúc hết mong nhờ ai, tôi vô phương kêu nài, lòng đương bối rối, xin Ngài ở với tôi hoài!”.
Lời của bài thánh ca được viết trong một bối cảnh hết sức thanh nhàn và thơ mộng, bởi sự ban cho của Đức Thánh Linh nên lời thơ không hề gượng ép. Hôm đó vừa giảng xong tại nhà thờ, Henry F.Lyte đi dọc theo bờ biển, lòng hân hoan, cùng với một cảm giác bình an thư thái. Lúc trở về phòng riêng, ông được cảm động và viết thánh ca “Cầu Chúa ở bên tôi hoài”. Thánh ca này cũng được gọi là “Thánh khúc bình an” hoặc “Vui mừng”. Nó bày tỏ một linh hồn biết nương cậy Chúa và tìm được sự bình an ở trong Ngài.
Henry F. Lyte sinh tại Kelso Tô Cách Lan ngày 1-6-1793. Qua đời tại Nice, nước Pháp ngày 20/11/1847 trong khi đang du lịch tại Italia. Lúc thiếu thời ông là 1 học sinh cần mẫn, và có ước mơ trở thành 1 nhà vật lý học. Nhưng ông không thể tự quyết định cho đời sống và chức vụ của mình. Ông Lyte được kêu gọi vào chức vụ hầu việc Chúa trong Hội thánh Giám nhiệm (Episcopal Church). Đến năm 1815 ông được phong chức Mục sư. Ông thành hôn với con gái của Rev. W. Maxwell. Ông Lyte có một đời sống tin kính và sốt sắng phục vụ Chúa cách hết lòng, trong lúc tuổi già ông cảm thấy đời sống của mình thật quá ngắn ngủi, chỉ như một chuyến đi. Ý tưởng này thúc đẩy ông viết lên thánh ca bất hủ để ngợi khen sự vinh hiển của Thượng đế. Ông đã cầu nguyện cho việc này thật nhiều và đã được Chúa nhậm lời.

Thánh ca 40: THÁNH THAY, THÁNH THAY, THÁNH THAY !
“Holy , Holy, Holy” 
“Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay! Đấng chủ tể oai quyền! Đang khi tưng tưng sáng, chúng tôi đã dâng khúc hoan ca; Thánh thay! Thánh thay! Thánh thay! Trí, dõng, ái đức vô biên! Chúa Ba ngôi vốn một thể oai nghi, rạng loà.”
Tác giả của bài Thánh ca được cảm động bởi những lời tiên tri huyền nhiệm của Ê Sai: “Về năm vua Ôxia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi sao sang, vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ. Những Sêraphin đứng bên trên Ngài ; mỗi Sêraphin có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân, và hai cái dùng để bay. Các Sêraphin cùng nhau kêu lên rằng : Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giêhôva vạn quân ! Khắp đất đầy dẫy sự vinh hiển Ngài” (Êsai 6 : 1-3).
Mặc dầu lẽ đạo Cơ đốc về ba ngôi Đức Chúa Trời chưa được hiểu rõ ràng trước ngày lễ ngũ tuần, nhưng những Cơ Đốc nhân đều tin rằng điều này đã được bày tỏ trong Cựu ước cũng như Tân Ước rồi. Trong sự hiện thấy của Êsai về ĐCT, Ba ngôi ĐCT được đề cập bằng 3 tiếng lập lại của thiên sứ. Những chữ này đã trở thành bài ca lịch sử của những kẻ tôn thờ ĐCT. Bài này được gọi là “Trisagion” hoặc “Tersanctus”. “Ba Ngôi thánh thay”.
Một đoạn tương tự trong Khải 4:8-11. Bài này được viết bởi Reginald Heber, chủ tọa một Hội thánh tại Hodnet, Đông Anh Quốc, từ 1807 – 1823.
Heber không giống như mọi người, sanh ra trong 1 gia đình giàu có và trí thức, ông dâng đời sống mình để hầu việc Chúa cả ở quê hương Anh lẫn xứ Ấn Độ xa xôi. Dầu ông có ân tứ về học thức rất cao và là bạn của nhiều văn sĩ lớn nhưng hoài bảo lớn nhất của ông vẫn là hoàn mỹ những thánh ca hát trong chính nhà thờ của ông.
Khi Heber nhận chức vụ Giám mục tại Calcutta năm 1823 ông được đi giảng đạo ở hải ngoại như ông hằng mong ước. Với chức Giám mục, ông cai quản một vùng gần hết Nam Thái Bình Dương. Trong 3 năm ông đi từ chỗ này đến chỗ khác, không mỏi mệt để làm tiến bộ công việc Chúa tại địa phương. Ngày 3 tháng 4 năm 1826, Heber giảng về sự gian ác của giai cấp phong kiến xã hội Ấn Độ trước một đám đông cử tọa tại Trichinopoly. Sau đó ông đi tắm tại hồ bơi ở nhà. Cách ít lâu sau người ta tìm thấy ông bị chết đuối và trên xác có dấu bị đánh đập. Ông mất năm 43 tuổi, được chôn tại Trichinopoly. Năm 1875 hoàng tử xứ Wales đến đặt một tấm biển tưởng niệm ông.
Heber sống và làm việc trong thời mà nền văn chương Anh đạt trình độ cao về mỹ từ và cấu trúc thi văn. Đặc điểm này thể hiện rõ ràng hơn trong bài ca này. Câu 1 nói về Ba bản tính của ĐCT Ba ngôi : Thánh, Trí dõng, Ái đức.
Câu 2 : Các thánh, Chêrubin và Sêraphin tôn thờ Ba ngôi ĐCT. Kết thúc bằng câu “Ba ngôi” mô tả ĐCT đời đời nguyên hữu, chung vô hạn kỳ. ĐCT cũng là toàn thiện, sự hiểu biết của chúng ta đối với Ngài hữu hạn, Ngài bị che khuất bởi tội lỗi chúng ta và sự thiếu hiểu biết của chúng ta. Dầu vậy, chúng ta cũng đủ thấy vinh quang Ngài để biết rằng Ngài toàn mỹ – toàn mỹ trong linh năng, thánh sạch và yêu thương. Đây là câu 3 “Ba ngôi”.
Câu chót mượn ý của Giăng hiện thấy ở Khải 4:11. ĐCT là Đấng tạo ra mọi sự và sự vinh hiển Ngài. Do đó, muôn vật trên trời, dưới đất, nơi biển đều tôn vinh Ngài.
Điệu nhạc được soạn bởi John B. Dykes, nhạc sĩ Organe và soạn giả nổi tiếng nước Anh và cũng là giáo sư trong giáo hội Anh.
Khi xuất bản năm 1861, Dykes đặt tên có ý nghĩa là “Nicene” để nhắc đến lẽ đạo Ba ngôi ĐCT được giáo hội tuyên ngôn đức tin năm 325 tại Nicene.

Thánh ca 41: CHÚA, BỨC THÀNH KIÊN CỐ TA (THÁNH CA CỦA CUỘC CẢI CHÁNH)
"A mighty fortress is our God"
 



“Chúa vốn bức thành kiên cố ta rày, thuẫn khiên ta che đỡ hàng ngày; Đấng cứu giúp hồi nguy khốn ưu sầu. Đấng giúp ta luôn thắng nhiệm mầu. Ngày đêm dẫu quân thù xưa, nghịch ta ta khôn nghiêng ngửa. Tuy nó thâm mưu đa tài, quyết chống ta suốt đêm ngày, quả không ai trên đất địch tày.”
Thánh ca này là nguồn ai ủi cho những ai đang lâm phải cảnh buồn bực hay cô đơn tuyệt vọng. Tác giả của bài thánh ca này đã soạn nên những vần thơ kỳ diệu đang lúc ông trong tâm trạng như vậy. Martin Luther thấy chán nản. Bệnh tật cũng như nỗi thất vọng đã giang tay trên ông để làm cạn sức lực và tiêu tan lòng hăng hái của ông. Mười hai năm trước, ông đã dũng cảm đóng 95 luận đề của mình lên cửa nhà thờ Wittenberg nước Đức. Ông nhớ rất rõ những sự kiện đã xảy ra từ sự kiện đáng nhớ của năm 1517 đó. Ông đã bị Giáo hoàng dứt phép thông công và ông đã ngang nhiên đốt lịnh ấy trước công chúng, cũng như Giáo hoàng đã phải ra lịnh đốt sách của ông sau nầy vậy. Những cuộc tranh luận với Tiến sĩ John Eck, cuộc họp nghị viện nổi tiếng ở Worms, việc dịch Kinh thánh ra tiếng Đức phổ thông, cơn lũ sách vở chảy ra từ ngòi bút của ông, cùng với cuộc hôn nhân của ông với Katherine Von Bora 4 năm trước hiện lên rõ ràng trong tâm trí ông.
Những năm 1529 là khoảng thời gian buồn bã, không chỉ cho công nhân ông, song cũng cho cả phong trào ông khởi xướng 12 năm về trước. Trong mọi nổ lực kéo mình ra khỏi trạng thái chán nản, ông phải dùng đến lời khuyên của chính mình : “Eva sa vào tội lỗi khi bà đi bộ một mình trong vườn. Tôi có những cám dỗ nguy hiểm nhất khi tôi chỉ ở một mình”. Ông đã từng viết như vậy. Vì thế, ông chủ ý né tránh sự cô độc và đi tìm bầu bạn với những người có cùng suy nghĩ.
Ông cho rằng : “Không ăn uống là một cách chuốt lấy sự tệ hại nhất. Không thấy đói bụng sẽ sinh ra điều tệ hại là sự chán nản. Thế là ông tìm bè bạn ở yến tiệc. Ăn uống với sự thỏa mãn để giải khuây nỗi lòng hoặc để bổ dưỡng cho thể xác của ông. Ngó qua mấy tác phẩm mình vừa viết, ông khám phá rằng đã có một lần ông viết nguyên tắc để kéo mình ra khỏi sự lười biếng, nhàm chán và thất vọng là : “Đức tin nơi Đấng Christ, phát điên, được tình yêu của một phụ nữ tốt.” Nhưng phương thuốc ưa thích của ông là âm nhạc. Ông nói: “Ma quỉ ghét âm nhạc, vì nó không chịu được sự hoan hỉ.” Satan có thể cười tự mãn song không thể cười vui vẻ vì thế ông hát với gia đình, bè bạn và ngay cả khi chỉ có một mình.
Ông viết : “Khi tôi ngủ, ma quỉ luôn luôn chờ chực quanh tôi”. Vì vậy ông kéo mình ra khỏi kẻ thù ghê tởm ấy bằng cách giảng dạy và hát với chính mình. Thử vài lần ông thấy điều này có hiệu quả kỳ lạ. Ông nói : “Đối với tôi, cuộc sống là cuộc chiến đấu không ngừng cho đức tin. Nhằm đánh bại kẻ thù, đôi lúc tôi phải gặp ma quỉ lao vào, và tôi mặt đối mặt với nó. Nhiều lần khác, tôi gặp ma quỉ cách gián tiếp”. Nhưng tại Loburg năm 1929, Vào năm 45 tuổi sự chán nản kéo dài hết ngày này sang ngày khác, đến nỗi ông tưởng rằng mình sẽ không lấy lại niềm tin tưởng và sự bình tịnh đã có trước đó. Ông cố gắng tìm hiểu chính mình và tâm trạng của mình. Từ sâu thẳm của nỗi thống khổ và tuyệt vọng, ông nhớ đến lời Chúa Giê Xu kêu trên thập tự : “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi ?” Ông tự nhắc mình rằng : “Chính tiếng kêu tuyệt vọng bắt đầu bằng những chữ Đức Chúa Trời tôi ôi! Là một lời khẳng định của đức tin”. Martin Luther, người đã trao lại cho đồng bào mình quyển Kinh thánh bằng tiếng mẹ đẻ, là người phục hồi việc hát hội chúng, sáng tác Thánh ca bằng ngôn ngữ nước mình, và soạn hòa âm để đồng bào thích thú hát. Ông làm cho âm nhạc trở thành niềm vui của hội chúng hơn là bổn phận đơn độc của ca đoàn, và cho nó tính tự phát, đó là biểu thị đặc điểm của Thánh ca Cơ Đốc ở mức tốt nhất. Ông cho phép phụ nữ được phép hát chung với người khác, ở nơi công cộng, một quyền lợi đã bị cướp khỏi họ trong hơn 1000 năm.
Cuối năm 1529, Thi Thiên 46 là một nguồn an ủi lớn đối với ông. Ông lặp đi lặp lại câu 1 : “ĐCT là nơi nương náu và sức lực của chúng ta, là nguồn giúp đỡ sẵn ngay trong cơn gian truân”. Những lời nầy bùng cháy trong lòng, ông nén sự thúc bách của mình vào những kẻ thù, bất kể là Giáo Hoàng hay nông dân, Satan hay tội lỗi. Qua ngòi bút, ông kể lại cuộc chiến đấu của mình trong những bài Thánh ca gồm những lời oai hùng sau :
“Chúa vốn bức thành kiên cố ta rày.... trên đất địch tày”.
Bốn khổ thơ nhắc nhở rằng : “Thiên Chúa là thành lũy, Christ là Đấng quán quân, và Satan là kẻ thù của linh hồn. Nhưng chiến thắng cuối cùng sẽ trong Đức Chúa Trời, Đấng mà vương quốc của Ngài là đời đời”.
Tác giả, nhà soạn nhạc Martin Luther (1483 – 1546), một trong những bậc anh hùng nổi tiếng của lịch sử, đã phục vụ Hội Thánh cải chánh không mặt nào lớn hơn là viết và soạn nhạc bài Thánh ca “Chúa vốn bức thành kiên cố”.
Thánh ca 43: THÀNH TÍN CHÚA RẤT LỚN THAY
“Great is Thy faithfulness”
 


“Giê-hô-va ôi, sự thành tín Chúa rất lớn thay! Không bóng biến thiên, muôn đời Ngài luôn vững chãi; Ngài không thay đổi, đức yêu thương vô cùng rộng dài, thật xưa đã có, hôm nay, mai sau còn hoài. Thánh Chúa thành tín dường nào! Thánh Chúa thành tín biết bao! Ngày thêm tươi mới, lòng tôi cảm thấy ơn dào; Điều tôi nhu yếu Chúa ban cho dư dật dường nào, lòng thành tín Chúa trên tôi rộng lớn làm sao!”
Nhạc bài này do W.M. Runyan sáng tác. Thomas Chisholm ghi lại cảm tưởng của mình về sự thành tín của Chúa khi học Kinh Thánh và gửi nhiều bài thơ về cho Runyan. Đoạn mở đầu và điệp khúc trích từ Ca Thương 3:22, 23 ; Gia Cơ 1:17. Đức Chúa Trời luôn luôn như là mặt trời chính ngọ, không bao giờ có áng mây che sự thành tín thành toàn của Ngài.
Sự thành tín của Đức Chúa Trời thoát thai từ một đặc tính khác của Ngài, là sự bất biến. Ngài đang sống và sống đời đời. Ngài không hề thay đổi, không một chút biến cải.
Bằng nhiều cách, thiên nhiên chứng minh Đức Chúa Trời thành tín. Mỗi hoàng hôn được bình minh nối tiếp, mỗi mùa đông có mùa Xuân theo sau. Khi chúng ta gieo trồng là có thể tính đến chuyện gặt mùa. Trên trời ta thấy vô số ngôi sao di động theo quỹ đạo mà các nhà thiên văn từ ngàn năm xưa cũng đã có thể vẽ ra. Nhưng càng rõ ràng hơn khi chúng ta biết Ngài thành tín trong những lúc Ngài đối xử với loài người tội lỗi, hư hoại. Ngài hứa tha thứ tội lỗi chúng ta và ban sự bình an cho tâm trí chúng ta, khi chúng ta nhận Christ làm cứu Chúa thì Ngài làm trọn mọi lời Ngài hứa. Sáng qua sáng, ngày qua ngày, chúng ta thấy Đức chúa Trời hiện diện trong lòng chúng ta, chắc chắn chúng ta trông cậy nơi sự hiện diện của Ngài, cả đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời.
Chúng ta rất được an ủi bởi những lời của một tín hữu vô danh nói lên niềm tin nơi Chúa: “Đừng sợ ngày mai vì Đức Chúa Trời hiện diện sẵn hôm đó”

Thánh ca 44: ĐẤNG XƯA GIÚP CHÚNG TÔI
“Our God, our help in ages past” 

“Ôi, lạy Chúa, nguyện Đấng giúp tôi mãi, là ước vọng lúc hậu lai, nơi bảo toàn giữa giông tố dội vang, là nhà muôn thuở bình an.”
Những lời này do nhà soạn nhạc Isaac Watts, ông sống ở Anh Quốc gần 200 năm sau thời Martin Luther. Isaac là một trong những nhà lãnh đạo đã góp phần làm cho Thánh ca có những bước phát triển vượt bực, Watts có khả năng đặc biệt cần có cho sự nghiệp quan trọng của một nhà sáng tác Thánh ca. Mẫu chuyện nhỏ về thời thơ ấu của ông cho thấy rằng ông đã làm thơ rất sớm. Lần kia, cậu bé Watts phát cười to lên giữa lúc gia đình đang cầu nguyện, khi được hỏi tại sao, cậu trả lời rằng cậu không nín cười được khi thấy một con chuột leo lên sợi dây chuông ở gần lò sưởi, và cậu đã làm vần thơ sau :
“Con chuột muốn đạt bực cao hơn, nên đã leo lên sợi dây để buông lời cầu nguyện”. Ngày nay, chúng ta khó có thể hình dung ra được tình hình Thánh nhạc trong thời gian Watts nhóm lại hết sức nghiêm nhặt, Hội chúng chỉ được hát những Thi Thiên trong khi thờ phượng. Lý do là vì các Thi Thiên được lấy trực tiếp từ KT nên được xem chính là lời Đức Chúa Trời. Người ta nghĩ rằng chỉ những bài hát đó mới xứng đáng được hát trong nhà thờ nên gọi là Thánh ca. Những bài hát do loài người đặt ra thì được gọi là “Những kẻ khoe khoang tự phụ” là kẻ dám nghĩ rằng sẽ trau giồi thêm cho Đức Chúa Trời và “Dạy Đức Chúa Trời sáng tác”.
Sự ca hát lúc ấy thường là buồn bã, bởi vì chỉ có một ít Thánh ca được hát trong phần lớn các Hội thánh. Thường thì “Người hướng dẫn” đọc lớn tiếng từng dòng Thi Thiên, hội chúng hát dòng ấy, rồi dừng lại, chờ nghe đọc dòng kế tiếp. Chỉ có ít âm điệu được sử dụng vì người hướng dẫn phải tìm âm điệu nào mọi người cùng biết và tất cả đều ê a kéo dài một cách buồn chán.
Nhưng với Watts và một số nhà lãnh đạo khác, hiển nhiên là cuộc sống mới phải được hòa cùng các bài hát thờ phượng. Họ cảm thấy rằng hội chúng đã chán ngán khi chỉ hát toàn Thi Thiên và hẳn là những bài hát mới sẽ được hoan nghênh lắm.
Một ngày kia, khi Watts phàn nàn về những câu Thi Thiên được hát trong Hội Thánh của Cha ông thì một nhân viên Hội thánh hỏi vặn lại : “Vậy cậu hãy cho chúng tôi cái gì tốt hơn đi”. Watts nhận lời thách thức đó dù lúc ấy ông hãy còn trẻ lắm. Ông đã viết một Thánh ca mới có tựa đề là : “Hãy ngắm xem sự vinh hiển của chiên con”. Khi đem hát vào sáng Chúa nhật, bài Thánh ca được hoan nghênh nồng nhiệt khiến nhà thi sĩ trẻ tuổi quyết định sẽ viết thêm những bài khác nữa. Trong những năm kế tiếp, ông đã sáng tác hầu hết trong số 210 bài Thánh ca trong tập nhạc của ông, có tựa đề là “Thánh ca và linh khúc”, xuất bản năm 1707. Đó thật là một quyển Thánh ca đầu tiên bằng Anh ngữ.
Watts bắt đầu công việc của mình bằng lòng nhiệt tình tuổi trẻ và luôn tranh đấu cho sự tự do cởi mở hơn về vấn đề các bài hát trong nhà thờ. Thánh ca của ông khoảng 600 bài tất cả, đã đánh thức dân tộc Anh vào niềm vui ca hát. Các bài Thánh ca của ông đã vượt Đại Tây Dương sang Châu Mỹ. Benjamin Franklin rất thích những bài ca ấy. Quyển sách đầu tiên của Franklin là “những Thánh ca và Thi Thiên của Watts”, xuất bản năm 1741. Do ảnh hưởng sâu đậm tồn tại trong lòng người, cho nên đến nay chưa có một bài thơ nào vượt trội hơn các bài thơ của Watts.
"Đấng xưa giúp chúng tôi" xuất bản năm 1719, là một trong những Thánh ca hay nhất của Watts. Hãy để ý đến nét đẹp sâu sắc của lời hát, chúng đầy dẫy hình ảnh và ẩn dụ thật hay (câu 1, 4, 6).
Bài hát mang một sứ điệp tiềm ẩn là dù thời gian có giống như dòng nước mãi trôi qua, Đức Chúa Trời vẫn còn đời đời và sẽ là nguồn cứu giúp của chúng ta trong tương lai cũng như Ngài từng là như vậy trong quá khứ. Được dựa trên Thi Thiên 90, bài hát nầy thường được dùng như một Thánh ca năm mới.
Trong số những thi phẩm khác của ông có bài Thánh ca giáng sinh tuyệt vời TC 54: “Phước cho nhân loại” (1719). Ngoài ra bài “Jésus shall reigh”, “Where the sun” (TC 19) chưa có trong Thánh ca Việt Nam, cũng là một sáng tác của ông. Còn bài “When I survey the wondrous cross” (1709) Thánh ca 95 cũng được rất nhiều người ưa thích. Watts không lập gia đình và ông rất yêu trẻ con, những vần thơ của ông vẫn có cái gì đó gợi về thời thơ ấu. Martin Luther cũng có ơn tương tự khi viết Thánh ca cho trẻ em cũng như cho người lớn. Nhưng Watts chưa bị ai vượt qua về các bài Thánh ca viết cho trẻ em. Từ ngòi bút của ông đã cho ra đời bài “Hush my babe, Lie Still and slumber” (chưa dịch sang tiếng Việt) có lẽ là bài hát dành cho trẻ em tuyệt vời nhất trên thế giới.
Năm 1715, ông xuất bản một bản Thánh ca hấp dẫn dành cho thiếu nhi, trong đó có những bài nổi tiếng như “Holo doth the little busy bee”, “Birds in their little nests agree”, “let dogs delight to burk and bite” (nhưng đều chưa dịch sang tiếng Việt).
Isaac Watts mất năm 1748. Tượng đài kỷ niệm ông được dựng ở tu viện Wesminster, đó là danh dự cao quí nhất dưới một người Anh. Trên bia mộ có vẽ hình Watts đang ngồi bên bàn viết, trong khi các Thiên Thần đang thì thầm những nhạc khúc bên tai ông. Bạn có nghĩ rằng điều đó đã được thật sự xảy ra chăng ?
Các bài Thánh ca do Isaac Watts viết lời có trong quyển thánh ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam là Thánh ca số 22, 97, 102, 317, 351.

 Thánh ca 49: CHÚA SẼ LO TOAN
“God will take care of you”
 


“Giờ bạn gặp gian truân chớ hoang mang, nhờ Chúa lo liệu châu toàn, bạn cần dựa nương trong cánh yêu đang, nhờ Chúa lo liệu bảo an. Chúa sẽ luôn luôn lo toan, trong mỗi năm ngày, qua cả đời này; Ngài lo chu cấp thích đáng, Chúa sẽ lo sẳn từng giây.”  
Những lời thơ như là một lời tâm sự của một người tin cách quả quyết vào quyền năng bảo bọc lo toan của Cha trên trời và đó chính là câu chuyện của Mục sư W. Stiliman Martin, cũng là nhà soạn nhạc. Ông cùng vợ, cậu con trai và vài người bạn đang đi thăm TP. NewYork. Mục sư Martin được mời giảng Tin Lành vào một vài Chúa nhật và ông hứa sẽ đến. Nhưng bà, vốn đã nhuốm bịnh, lại trở nặng vào ngày Chúa nhật hôm ấy, đến nỗi ông phải gọi điện thoại cho những nhân viên ở Hội thánh, báo rằng ông không thể giảng được. Khi ông sắp nhấc ống nghe lên thì cậu con trai nói với ông : “Ba ơi, Ba không nghĩ rằng Chúa muốn Ba giảng hôm nay, còn Ngài sẽ lo lắng cho Má trong khi ba đi sao?”
Mục sư Martin cảm thấy như mình bị quở trách và ông quyết định cứ đi giảng. Cuối bài giảng của ông, có nhiều người tin Chúa. Mục sư Martin trở về nhà, lòng vui mừng vì đã làm tròn trách nhiệm và Đức Chúa Trời đã chúc phước cho chức vụ của ông. Khi ông về đến nhà, cậu con trai đón ông ở cửa và đặt vào tay ông một bao thư cũ mà phía sau lưng có ghi lời của bài Thánh ca này. Từ đức tin đơn sơ của cậu bé, bà Martin đã được cảm động viết ra lời của bài Thánh ca ấy. Đọc bài thơ xong, Mục sư Martin đi đến cây đàn organ trong phòng và soạn xong bài nhạc trong vòng vài phút.
Nhiều lần có những người đã sợ hãi hoặc đối diện với những điều lo lắng thì bài Thánh ca nầy đã làm họ được an vui một cách diệu kỳ. Chuyện kể rằng, có một cơn bão thổi qua thành phố. Khi cô bé Virginia đang đến thăm bà. Bầu trời vang rền tiếng sấm và các tia sét chớp sáng. Bé Virginia leo vào lòng bà. Tay bá cổ, nói : “Bà ơi, mình hát bài Thánh ca Chúa sẽ lo toan đi”. Cả hai bà cháu đã biết hát bài này từ lớp Trường Chúa Nhật và sau khi họ hát lên, nỗi sợ hãi tan biến khỏi lòng Virginia.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))