22/12/11

LỊCH SỬ CÁC BÀI THÁNH CA - Phần 1

Mỗi khi hát những bài thánh ca tôn vinh Chúa, tôi thường tự hỏi tại sao những lời và nhạc của các bài hát này trở nên bất hủ? Tại sao những bài thánh ca đã trải qua hàng thế kỷ mà những con dân Chúa vẫn gửi gắm tâm hồn vào từng lời thơ, từng nốt nhạc của những giai điệu mà mỗi khi chúng ta hát dường như bay cao lên tận thiên đàng ?
Những thắc mắc suy tư của tôi được giải toả khi tôi đọc được lịch sử của những bài thánh ca này. Những bài thơ, những dòng nhạc được viết ra từ những tâm hồn cao cả. Những đời sống dâng hiến cho Chúa cả cuộc đời. Họ đã có những tài năng, danh vọng ở đời, nhưng họ không dùng vào mục đích tìm kiếm sự giàu có hay mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Họ đã quả quyết nói như Phao Lô “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê Xu Christ là quý hơn hết, Ngài là Chúa tôi và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó” Phi líp 3 : 8. Có những bài thánh ca được viết bằng nước mắt của những nỗi đau thương mất mát lớn nhất trong cuộc đời, không có bất cứ trường hợp nào khác trên đời so sánh được. Thế nhưng trong cơn tuyệt vọng sầu khổ, chính họ – tác giả của những bài thánh ca – vẫn viết lên những vần thơ tuyệt tác thể hiện niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Đó là những bài thánh ca đã làm rơi luỵ hàng triệu người trên thế giới và làm nhiều người dâng cuộc đời cho Chúa.v.v...
Cầu xin Chúa ban cho chúng ta sau khi đọc qua lịch sử những bài thánh ca này tâm hồn của chúng ta được nâng cao, được an ủi mỗi khi chúng ta hát ca ngợi Chúa. Halêlugia!!!.

Thánh ca 2: NGUYỆN TỤNG MỸ CHÚA LINH NĂNG
“Praise ye the Lord, The almighty”


“Nguyện tụng mỹ Chúa linh năng. Vua vinh diệu tạo vạn vật chúng dân! Nầy hồn hỡi, khá ca khen Ngài, là nguồn lực lượng, sông cứu ân! Tôn vinh danh Chúa, đồng tâm mãi trổi khúc kim cầm, cùng ngợi Ba ngôi nhân ái chí thâm.” 
Lời của bài Thánh ca này nói lên một tâm hồn nhận biết quyền năng cao cả của Đấng toàn năng và rất nhân ái. Tác giả của Thánh ca đã học hỏi được những kinh nghiệm che chở gìn giữ của Ba ngôi Đức Chúa Trời dành cho những nhà lảnh đạo công cuộc cải chánh. Martin Luther là người lãnh đạo tinh thần cuộc cải chánh tại Đức, sau đó Johh Calvin lãnh đạo tại Pháp, họ bị Giáo hội Thiên Chúa La Mã bắt bớ nên những người thuộc phái Calvin phải trốn sang Đức, mang theo niềm tin chân chính và ao ước được hát tôn vinh Chúa trong giờ thờ phượng. Lúc đó các thanh niên Đức chịu ảnh hưởng của phong trào du học, một số du học sinh về nước mang theo cuốn Geneval Psalter và cuốn giáo lý Calvin. Ngay sau đó các Hội thánh thuộc giáo phái Calvin phát triển rất mau.
Khi lửa phục hưng làm nóng lại các trái tim đã nguội lạnh vì chiến tranh, ảnh hưởng nầy lan tràn rất mạnh giữa các Hội thánh cải chánh. Tuy nhiên một số người theo phái Calvin không đồng ý cho toàn thể Hội chúng có dịp hát tôn vinh. Vào lúc đó, nơi đó đã xuất hiện thi sĩ Neander, người sáng tác bản Thánh ca bất hủ: “Nguyện tụng mỹ Chúa linh năng”
Sơ lược về tiểu sử của tác giả chúng ta được biết như sau:Neander sinh tại Premen năm 1650 trong một gia đình đã nhiều đời hầu việc Chúa. Năm 16 tuổi, Neander gia nhập hội mỹ thuật ở Premen và bắt đầu sống cuộc đời liều lĩnh phóng đảng cho đến năm 20 tuổi.
Một hôm, ông cùng một người bạn vào nhà thờ để nghe giảng, những lời nói mãnh liệt của diễn giả hôm ấy đã đốt cháy cái vỏ hoài nghi, nhạo báng mà ông vẫn khoác cho mình bấy lâu. Sau giờ nhóm, ông ở lại và xưng nhận đức tin với Mục sư Under Eyck. Ông trở nên một người mới và trao phó đời mình cho Chúa Giê Xu.
Có 2 biến cố khác đã ảnh hưởng nhiều trên đời sống thuộc linh của ông. Biến cố thứ nhất phát sinh trong một cuộc đi săn, khi ông ở trong một vùng đồi núi cây cối rậm rạp và có nhiều đá. Hiểu rõ sinh mạng mình đang lâm nguy, ông đã cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và ông dâng đời mình cho Ngài. Biến cố thứ hai xảy ra ở Frankfurt, khi ông làm quen với Jakob Spener, người sáng lập Tân phái, chủ trương Thánh hóa đời sống tin kính của tín đồ. Phái nầy có vẻ cực đoan nhưng rất ích lợi cho những lúc nguội lạnh như vậy.
Năm 1674, Neander được cử làm Hiệu trưởng Trường Sư phạm tại Pusseldorf là nơi ông bị chính quyền làm khó dễ vì chủ trương cực đoan trong tôn giáo. Sau đó, Ông bị cách chức. Ông bị xúc phạm nặng nề nhưng không hề chống trả. Học sinh đã tìm đến an ủi ông. Ít lâu sau, ông được phục chức nhưng chỉ là một chức vụ nhỏ.
Năm 1679, Ông được gọi về Premen làm phụ tá cho Mục sư Theodore Under EYCR tại Hội thánh Martin là nơi ông tin Chúa. Ông rất vui mừng trở lại đó, sau đó ông mắc bệnh lao rồi qua đời.
Thánh ca của Neander được cô CatheriSne Winkworth dịch sang tiếng Anh. Cô là một phụ nữ người Anh, sinh năm 1827 có một biệt tài vô song về phiên dịch Thánh ca Cơ Đốc. Cô đã phiên dịch nhiều Thánh ca, trong đó có bài “Nguyện tụng mỹ Chúa linh năng”.
 
Thánh ca 8: NGỢI DANH JÊSUS RẤT OAI QUYỀN
“All hall the power of Jesus' name”



“Ngợi danh Jêsus rất oai quyền thay Các thiên thần sấp trước Ngài; cung hiến vương miện tôn Christ lên ngai, tung hô danh Chúa quyền oai! Cung hiến vương miện tôn Christ lên ngai, thành kính tôn Chúa muôn loài.”
Những lời nhạc hùng tráng như một khúc quân hành này đã được viết lên bởi Edward Perronet một người đã từ bỏ mọi điều danh lợi của trần thế để bước đi theo tiếng gọi của Chúa Cứu thế Giê Xu và trở nên một tôi tớ khiêm nhu hầu việc Chúa. Edward Perronet là một người giàu có, ông tin Chúa năm 21 tuổi lúc đó là năm 1746. Sau đó ông được Hội thánh tấn phong Mục sư. Trong các bài thơ của ông, chỉ có bài này nổi tiếng nhất, sáng tác năm 1779. Người ta gọi là bài thánh ca khải hoàn thuộc linh. Bài thơ nguyên gồm 8 lời, sau có sửa đổi nhỏ như chúng ta hát ngày nay.
Tại Ấn Độ có một Mục sư được Đức Thánh Linh cảm động đi giảng Tin Lành tại nơi chưa khai hóa. Bạn bè ngăn cản nhưng ông nhất quyết ra đi. Đang khi ông đi vào nơi sâu thẳm của miền núi, bỗng ông thấy nhiều thổ dân núp trong bụi cây, tay cầm lao chuẩn bị phóng vào ông. Cái chết dường như không tránh khỏi, ông bèn dừng bước lấy đàn ra, nhắm mắt lại, vừa đàn vừa hát bài Thánh ca này. Lạ lùng thay, khi ông hát xong, đám thổ dân bước ra khóc to. Thế là ông hầu việc Chúa giữa họ từ hôm ấy, họ rất yêu mến ông.
 
Thánh ca 11: NGỢI KHEN CỨU CHÚA
“I will sing redeemer”



“Ngợi khen Cứu Chúa đã chuộc tôi nay. Lòng nhân ái Chúa lớn rộng thay! Từ nơi rủa sả Chúa chuộc tôi ra, Ngài đau đớn ở Gô Gô Tha. Ngợi khen Chúa, Đấng chuộc chính tôi nay, hồng huyết lưu ra chuộc tôi đây; tại cây gỗ dấu hiệu Chúa tha tôi, nợ xưa trả thảnh thơi trọn đời.”
Tâm sự của tác giả thật sâu nhiệm với Chúa khi ông mô tả bằng những lời thơ từ nơi sâu thẳm của tâm hồn bừng lên niềm hạnh phúc. Tôi sẽ hát về Đấng Cứu Chuộc tôi. Lòng nhân từ của Chúa cao hơn các từng trời. Thân hèn mọn này trầm luân trong tội lỗi mà Ngài đã đổ huyết ra trên thập tự, cứu tôi thoát khỏi sự chết đời đời. Ôi ! dòng huyết vô tội có năng quyền cứu rỗi linh hồn tội nhân. Tâm hồn tôi mừng vui, hễ tôi còn sống bao lâu, tôi sẽ hát xướng cho Đức Giê-hô-va bấy lâu. Hễ tôi còn sống chừng nào, tôi sẽ hát ngợi khen Đức Chúa Trời tôi chừng nấy.
Cuộc sống của Philip Bliss là một tấm gương tận tuỵ sử dụng tài năng, ân tứ Chúa ban cho để phục vụ Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Ông là một trong những nhà hướng đạo nổi tiếng về Thánh ca phục hưng hiện đại. Dù trước đó đã có những tác phẩm Thánh ca truyền giảng nhưng không ai sánh kịp với những đặc điểm độc đáo Chúa ban cho ông. Philip Bliss vừa sáng tác vừa ca hát. Với sự kết hợp của hai yếu tố này. Ông được tự do diễn đạt những lời ca ngợi Thượng Đế xuất phát từ rung động của tâm hồn mình.
Philip Bliss giả từ trần thế trên đường ông đi truyền giảng cho thành phố Chicago. Cuộc đời ông đến giờ phút cuối để lại cho nhiều người thương tiếc và quí mến. Mọi người biết đến tai nạn xe lửa trên đó có ông và bà. Khi tai nạn xảy ra ông vẫn còn sống và có thể thoát thân được. Tình yêu vượt trên mọi sự sợ hãi, ông cố gắng tìm cách cứu bà ra khỏi đống đổ nát của toa tàu đang bốc cháy. Nhưng ý Chúa đã định cho cả hai cùng được chung sống với nhau nơi miền Thiên quốc.
Sau khi xảy ra thảm họa đưa đến cái chết của Philip Bliss, một cái rương của ông bị chất lầm trên một xe lửa khác đã đến bến Chicago an toàn. Trong số những đồ đạc, người ta tìm thấy lời ca của bài “Tôi sẽ hát về Đấng Cứu Chuộc tôi” do chính tay Bliss viết. Ông không biết số ngày Chúa đã định cho mình, nhưng trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, ông dành cho Chúa trọn vẹn. James Mc. Granahan, một người bạn chí thân của Philip Bliss thực sự bị thu hút bởi những dòng chữ quen thuộc của người bạn quá cố thân yêu, Philip Bliss đã ra đi quá sớm, vội vã để lại một bài Thánh ca chưa hoàn tất. Mc. Granahan nâng niu từng lời ca và trong niềm cảm xúc sâu xa, ông đã phổ nhạc thành bài “Ngợi khen Cứu Chúa” (I will sing of Redeemer).
 
Thánh ca 13: JÊSUS ĐẸP THAY (THẬP TỰ QUÂN CA)
“Fairest Lord Jesus”
 
“Ôi, Jêsus đẹp thay! Ôi, vua thiên nhiên giới nay! Con Đấng chí tôn cũng con loài người, tôi chỉ yêu Ngài thôi, duy Chúa tôi sùng tôn, xem như kim mão vinh cho linh hồn.”
Những câu ca dao là những lời thơ của giới bình dân, không cầu kỳ sáo rổng, họ suy nghĩ thế nào thì nói lên như vậy. Đặc biệt là ca dao luôn nói lên kinh nghiệm của con người và thiên nhiên như ca dao Việt Nam: “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy bát cơm đầy, lấy khúc cá kho.” Những lời ca dao thường ít ai biết được xuất xứ. Thánh ca này cũng vậy, chưa có ai xác định được tên tác giả. Không ai biết tên tác giả, người ta chỉ biết tên nhà xuất bản. Tuy vậy Thánh ca này lại được nhiều người quan tâm đến.
Có người kể lại là Thánh ca này đã được những hiệp sĩ hát trong cuộc hành hương đất thánh vào thời kỳ viễn chinh của Thập tự quân. Kể từ đó Thánh ca này có tên là Thập tự quân ca, và ra mắt lần đầu tiên trong cuốn Muensterisch Gesangbuchn xuất bản tại Muenster, Westphalia, 1677 với lời của ủy ban giáo dục, Giáo hội Công giáo. Thánh ca này có 6 đoạn, và ít được sử dụng cho đến khi một âm điệu mới được đặt ra cho nó tại Silesia sau hơn 100 năm.
Âm điệu này là của hai nhạc sĩ và học giả chuyên sưu tầm dân ca. August Hienrich Hoffman von Fallersleben, vừa là thi nhân vừa là xuất bản và Ernst Friedrich Richter, Giám đốc trường âm nhạc nổi tiếng của Hội thánh St Thomas Lutheran tại Leipzig, đã cùng nhau đi đến Silesia... Nơi đó họ đã thưởng thức dân ca trong nhiều tháng. Họ vừa nghe hát vừa viết nhạc.
Tại Silesia hai người này đã kêu gọi sự giúp đỡ của dân chúng trong mọi phạm vi sinh hoạt. Sự giúp đỡ đã đến từ chủ nhân các xưởng chế tạo, từ nhạc sĩ, từ các nhà quí tộc cũng như những người ở miền quê. Hàng trăm tác phẩm viết tay được gửi đến hay đem đến cho họ, nhưng phần lớn đó là những bài thơ ngâm vịnh khẩu truyền.
Dân ca chọn lọc của Richter và Fallersleben được xuất bản trong cuốn Schlesische Volkslieder, phát hành tại Leipzig năm 1842. Trong cuốn sách Thánh ca này mang tên Schonster herr Jesus. Ngoài các sự thay đổi trong nguyên bản của Thánh ca, đoạn thứ 6 đã bị bỏ sót. Âm điệu của Thánh ca không có tên chi hết nhưng hình như đã được chép ra trong một lãnh địa nhỏ của bá tước Glatz Richter, có lẽ ông đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi tài năng âm nhạc của dân chúng Selisia ; âm điệu của họ thật đơn giản và tiếng hát của họ đẹp đến nỗi không thể nào diễn tả được.
Bản dịch Anh văn đầu tiên của Thánh ca Jêsus đẹp thay ra mắt tại Hoa Kỳ năm 1850, với ca đội của Richard Storrs Willis. Bác sĩ Willis sau này có viết cho John Julian biết ông không thể nhớ lại đã nhận được Thánh ca này tại đâu. Trong khi cuốn Schlesische Volkslieder được xuất bản năm 1842, Willis sống tại Đức và sau đó sống lại Leipzig mấy năm nữa để nghiên cứu với Hauphmann. Khi trở lại Hoa Kỳ, ông dạy Đức ngữ tại Viện Đại học Yale trong một khoảng thời gian ngắn trước khi ông vào làng báo và làm chủ bút của những loại sách âm nhạc, Ông cũng là tác giả của một số ca khúc như bài hát vui quen thuộc mang tên “It came upon the Midnight clear”.
 

Thánh ca 23: TÔN VINH CHÂN THẦN
“Praise God from whom all blessings flow”



Các đại học ở Anh Quốc mang nhiều sắc thái lạ lùng. Giáo hội La Mã và giáo hội Anh quốc ở đó cũng vậy. Một hôm, khi bài cầu nguyện mẫu được đọc lên ở đại học Oxford, vị phó viện trưởng đã ngồi phịch xuống ghế, đội mũ lên đầu. Cậu học sinh Thomas Ken có mặt nơi đó thầm nghĩ : “Không thể như thế được”.
Ken được nuôi dưỡng trong cô nhi viện Winchester rồi vào đại học Oxford. Học xong ông trở lại Winschester là tuyên úy.
Để khuyến khích sự thờ phượng Ken viết một quyển sách mang tựa đề “Cầu nguyện chỉ nam”. Trong sách Ken khuyên các em cô nhi :
“Chúng ta nhớ hát lúc sáng sớm cũng như lúc tối khuya”. Đó là vào năm 1667, đến năm 1674 Ken đưa vào sách của mình 3 thánh ca.
“Thánh ca buổi sáng” của ông bắt đầu như sau :
Linh hồn ơi,
Hãy tỉnh thức với mặt trời
Trong bổn phận,
Ta trổi dậy tươi mới
Sống hy sinh.
Gương chiếu sáng rạng ngời.
Tiếp đến là 13 điệp khúc. Điệp khúc sau cùng có lời như sau
Tôn vinh chân thần nguồn ơn vô đối,
Dưới đất chúng sinh ngợi Chúa khắp nơi,
Trời cao cũng chung khen ngợi Ba Ngôi.
Chúa cha và Con với linh muôn đời.

“Thánh ca buổi tối” của Ken bắt đầu với những lời như sau :
Vinh hiển thuộc Chúa tôi trong
Ơn phước thuộc Chúa tôi trong ánh sáng
Thánh ca buổi tối kết thúc giống như Thánh ca buổi sáng : “Tôn vinh chân thần....”
Trước tiên, nhạc được phổ cho Thi Thiên 134 vào năm 1551. Sau đó nhạc này được phổ cho Thi Thiên 100. Kể từ đó Thánh ca này có hầu hết trong các sách Thánh ca.
Sau nhiều triều đại, sau nhiều thăng trầm, được làm giám mục cho hoàng đế rồi lại phải bị tù vì hoàng đế khác, cuối cùng Ken qua đời với cây tứ huyền cầm xưa và con ngựa già. Theo lời yêu cầu, ông được 6 người nghèo nhất trong miền đưa đám.
 

Thánh ca 28: PHƯỚC NGUYÊN TỪ TRỜI XIN CHẢY VÀO LÒNG
“Come! Thou fount of every blessing”
 


“Phước nguyên từ trời xin chảy vào lòng, bật lên khúc ca chúc ơn Ngài; Suối nhân từ hằng tuôn chảy ngập dòng, giục tôi thoả vui hát một bài; Nguyện chỉ giáo tôi thi ca bỗng trầm, mà lưỡi lửa cõi thiên thượng hát, để tôi ngợi ngọn ân điển ngàn tầm, là non cứu ân, non cực lạc.”
Thánh ca này có nguồn gốc từ một nhân vật sống phóng đãng, truỵ lạc nhưng được quyền năng của Chúa thay đổi thật la lùng. Câu chuyện ấy được bắt đầu như sau:
Gã trẻ tuổi nói :
– Tụi bây rót rượu cho mụ nữa đi. Người đàn bà nghèo khổ có nước da bánh mật đã say đến mức không có thể đứng vững được nữa, nhưng bọn thiếu niên hoang đàng vô nhân cứ chuốc thêm rượu cho bà ta. Gã Robert Robinson 17 tuổi la lên :
– Đổ rượu vào miệng mụ rồi mụ sẽ bói cho tụi mình. Mấy tên kia cứ chuốc rượu cho đến khi người đàn bà đồng ý đoán tương lai cho chúng mà không lấy tiền.
Một tên không cửa, không nhà nói sau khi bà ta tiên đoán rằng hắn sẽ chết yểu :
– Mụ say rồi, mụ chẳng còn biết mụ đang nói gì.
Robinson trả lời :
– Mày phải biết điều đó. Mày đã rót rượu cho bả mà.
Quay lại tên cầm đầu du đảng, người đàn bà có nước da bánh mật và cặp mắt lừ đừ chỉ 1 ngón tay run run nói :
– Còn mầy, gã kia, mày sẽ sống để thấy con cháu mầy.
Robinson đột nhiên xanh mặt nói :
– Mày nói đúng, mụ đã say chẳng còn biết trời trăng gì nữa. Thôi tụi mình rút bỏ mụ này đi.
Nhưng lời của người đàn bà cứ ám ảnh hắn suốt ngày hôm ấy. Hắn nghĩ : nếu mình sẽ sống để thấy con cháu, mình phải thay đổi cách sống, không thể sống mãi thế này được.
Thế là ngay chính đêm hôm ấy, Robinson nửa đùa nửa thật, dắt cả băng đến buổi giảng phục hưng ngoài trời gần đó, nơi nhà truyền giáo trứ danh George Whitefield đang truyền giảng. Hắn giải thích với đồng bọn :
– Tụi mình sẽ đi xuống đó và chế nhạo mấy tên tín đồ Giám lý bịp bợm khốn kiếp này.
Nhưng Thánh Linh Đức Chúa Trời đã làm việc trong tấm lòng phiền muộn và tâm trí hổn độn của người thanh niên ương ngạnh này. Đêm ấy Whitefield giảng trong Mathiơ 3:7 “Hỡi giòng dõi rắn lục kia, ai sẽ dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau.” Sứ điệp ấy làm Robinson vừa tĩnh tâm vừa hãi sợ. Robinson cảm thấy rằng vị truyền đạo đang nói với mình và chỉ một mình thôi. Vào ngày thứ tư 10/12/1755, 2 năm, 7 tháng sau khi nghe bài giảng ấy, Robert Robinson 20 tuổi đã trở lại phục hòa với Đức Chúa Trời và tìm thấy sự tha thứ trọn vẹn qua huyết báu của Chúa Giê-xu Christ.
Sau này, Robinson viết thư cho nhà truyền đạo đầu tiên kết án tội lỗi mình: “Thú thật với ông rằng, chính để dò xem sự trơ trẻn của chỗ đó mà tôi đến. Tôi thương hại sự ngốc nghếch của những nhà truyền đạo, sự mê mẫn của những người nghe và ghét cay ghét đắng giáo lý Cơ Đốc. Tôi đến để thương hại những tín đồ Giám lý khốn nạn bị lừa dối, nhưng tôi đã ra về với niềm hạnh phúc của họ”.
Gia nhập Hội thánh Giám lý và cảm nhận sự kêu gọi hầu việc Chúa, chàng Robinson tự học, được Wesley bổ nhiệm đến nhà nguyện Hội thánh giám lý Norfolk, Anh Quốc. Tại đó, nhân ngày kỷ niệm Đức Thánh Linh giáng lâm, 1758 ba năm sau sự quy đạo kỳ diệu của mình, Robinson viết ra lời tự thuật tâm linh như sau : Phước nguyên từ trời, xin chảy vào lòng...
Nhớ lại tiên tri Samuên sau trận chiến đánh đuổi quân Phi-li-tin đã lấy một hòn đá dựng lên giữa khoảng Mich Ba và Sen, đặt tên là Ê-bên-Ê-xe, vì người nói rằng : “Đức Chúa Trời đã cứu giúp chúng tôi đến bây giờ”. ISamuên 7 : 12. Robinson thấy rằng mình phải ca ngợi Ê-bên – Ê-xe thuộc linh trong lòng chính mình để ghi nhớ chiến thắng của Đức Chúa Trời trên satan 3 năm trước. Ý thức rằng bởi sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời mà mình đã được cứu và dâng mình vào chức vụ. Robinson mong muốn “Hòn đá tượng trưng” nhắc nhở chính mình : Cho đến nay tôi đến đây được là nhờ sự giúp đỡ của Chúa, vì thế Robinson viết tiếp :
“Đến đây là nhờ chân Chúa phò trì....
Một năm sau, bài hát này được in trong quyển : Sưu tập những bài Thánh ca được dùng trong Hội thánh Đấng Christ ở Angel Alley, Bishopgate và trở thành bài phổ biến nhất mà Robinson từng sáng tác.
Robinson được kể như là một nhà truyền đạo hiếm có, người có thể nói : “Chúa vừa lòng điều gì, khi nào và như thế nào”.
Ngày 9/7/1790, Robinson qua đời như mình mong muốn : êm đềm, đột ngột và cô đơn lúc 55 tuổi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))