24/12/11

NHỮNG ĐIỀU BẠN CÓ THỂ CHƯA BIẾT VỀ NGÀY GIÁNG SINH



 “Phuớc cho nhân loại! Chúa ta ra đời: Trần gian nghinh Vua vô đối; kíp mở cửa lòng tiếp rước con Trời, bầu trời vạn vật hoà thinh, bầu trời vạn vật hoà thinh, trời đất xướng ca kính khen vua mình.”
 Thánh ca 54


Tại sao hằng năm lễ Giáng Sinh là ngày 25 tháng 12?

Tín hữu Cơ Đốc của Hội thánh sơ khai không ăn mừng sinh nhật vì họ cho rằng ăn mừng sinh nhật là làm theo thói tục của dân ngoại đạo thờ thần tượng. Bởi lẽ đó họ không ăn mừng lễ Giáng Sinh của Chúa Jêsus trong suốt ba thế kỷ đầu. Đến thế kỷ thứ tư, Cơ-đốc nhân mới bắt đầu muốn ăn mừng lễ Giáng Sinh của Chúa Jêsus mỗi năm một lần, nhưng sợ chính quyền La Mã phát hiện bắt bớ, vì Cơ Đốc giáo lúc đó vẫn còn bị chính quyền La Mã xem là một tôn giáo bất hợp pháp.
Về phía chính quyền La Mã, hằng năm họ long trọng cử hành lễ ăn mừng “Thần Mặt Trời” (Feast of The Sol-Invictus) đem ánh sáng đến cho trần gian vào ngày 25 tháng 12. Cơ-đốc nhân lợi dụng cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Chúa Jêsus Giáng Sinh đem ánh sáng và sự sống cho nhân loại (Giăng 8:12) cùng một ngày với ngày lễ “Thần Mặt Trời” của người La Mã. Nhờ vậy, chính quyền La Mã không phát hiện được việc tín hữu Cơ đốc tổ chức ăn mừng lễ Giáng Sinh của Chúa Jêsus, vì họ tưởng rằng tín hữu Cơ đốc cũng ăn mừng ngày lễ “Thần Mặt Trời” như họ.
Đến năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine bỏ đa thần giáo trở lại Cơ Đốc giáo, ông hủy bỏ ngày lễ ăn mừng “Thần Mặt Trời” và thay vao đó là ngày ăn mừng lễ Giáng Sinh của Chúa Jêsus. Đến năm 354, Giám mục Liberius cô bố ngày 25 tháng 12 là ngày chánh thức để cử hành lễ Giáng Sinh của Chúa Jêsus.

Tại sao chữ Christmas hay Xmas hay Noel đều có nghĩa là lễ giáng sinh?

Noel, từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩa là "Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta"
Chữ Christmas, tiếng Anh gồm có chữ Christ và Mas. Chữ Christ (Đấng chịu xức dầu) chính là tước vị của Chúa Jêsus. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass có nghĩa là thánh lễ. Chữ Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas. Christmas có nghĩa là "Ngày lễ của Đấng Christ", tức là ngày lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu.
Cũng có người viết lễ Giáng Sinh là Xmas. Cách viết này làm cho nhiều người hiểu lầm cho rằng cách viết đó có ý loại bỏ Đấng Christ ra khỏi lễ Giáng Sinh. Nhưng thực ra chữ Christmas và Xmas đều có cùng một ý nghĩa như nhau. Vì chữ Hy Lạp viết chữ ChristChristos (Χριστὀς). Người ta dùng phụ âm X để tượng trưng cho chữ Chi (tiếng Anh đọc là Kai /ˈkaɪ/, nguyên gốc tiếng Hy Lạp đọc là Khi /χi/) trong chữ Χριστὀς, rồi thêm chữ Mas kế cận để thành chữ Xmas. Như vậy Xmas cũng có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ như chữ Christmas vậy.

Tại sao cây thông được trưng bài trong mùa Giáng Sinh?

Vào thế kỷ VIII, Giáo sĩ Boniface từ Anh Quốc qua Đức truyền bá Phúc Âm của Chúa Jêsus. Ông có tặng cho thành phố Geismer một cây thông để tương trưng cho tình thương và một tín ngưỡng mới mà ông mang đến cho dân tộc Đức. Khi người Đức chấp nhận Cơ Đốc giáo, họ chọn cây thông làm cây Giáng Sinh (cây Noel), để nhắc nhở họ nhớ đến công ơn của Giáo sĩ Boniface, người đã giúp họ dẹp bỏ tà thần trở lại thờ phượng Đức Chúa Trời Hằng Hữu.
Người Đức không có phong tục trưng cây thông Giáng Sinh trong nhà. Đến thế kỷ 16, nhân một đêm trong mùa Giáng Sinh, nhà cải chánh Martin Luther dạo bước qua những cánh rừng trên đường về nhà nhìn thấy hàng triệu vì sao sáng lấp lánh qua kẽ lá. Ông thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài cây nhỏ, trên cành cây tuyết trắng phủ đầy, lung linh dưới ánh trăng. Vì thế, khi trở về ông đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu chuyện này với lũ trẻ. Để tái tạo ánh sáng lấp lánh của muôn ngàn ánh sao ông đã treo nến lên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy với lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh. Ông giải thích là các cây nến cháy sáng trên các nhánh của cây thông tượng trưng cho ánh sáng của Chúa Jêsus mang đến cho nhân loại, màu xanh tươi quanh năm của cây thông tượng trưng cho Đức Chúa Trời Hằng Hữu.
Phong tục trưng cây Giáng Sinh nhanh chóng lan rộng khắp nước Đức. Sau đó lan tràn khắp nơi trên thế giới là nhờ các thương buôn và các thủy thủ từ nước ngoài đến thăm viếng nước Đức nhìn thấy dân chúng Đức trưng cây thông trong nhà vào ngày lễ Giáng Sinh, rồi mang phong tục này về quê hương họ.
Ở Mỹ, cây thông Giáng Sinh đầu tiên được trưng trong nhà vào ngày 20/12/1821, do một người Đức đến định cư ở thành phố Lancaster, thuộc bang Pennsylvania, Mỹ.

Tại sao có “Ông già Noel” trong mùa Giáng Sinh?

Vào thế kỷ IV, Giám mục Nicholas làm Giám mục đia phận Myra, xứ Lycia, thuôc vùng tiểu Á, nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc còn tại chức, Giám mục Nicholas thường dùng tiền riêng của mình để mua quà biếu cho những người nghèo khổ. Sau khi Giám mục Nicholas qua đời, ông được tôn lên là thánh hộ mạng của trẻ em, thương buôn và người đi biển.
Giáo Hội thời đó dành riêng ngày 6 tháng 12 để làm ngày lễ tưởng niêm Giám mục Nicholas. Trong ngày lễ này, ở các nước như Nga, Hà Lan, Bỉ phát quà cho trẻ em để tưởng nhớ vị Giám mục này.
Đến thế kỷ XVII, người Hà Lan từ Châu Âu đến định cư ở Châu Mỹ. Họ mang theo tập tục của ngày lễ Giám mục Nicholas vào Châu Mỹ. Người Hà Lan gọi Nicholas là Sinterklass. Các trẻ em Mỹ đọc tên Sinterklass thành ra Santy Claus rồi dân thành Santa Claus. Tên Santa Claus tồn tại trong Anh ngữ cho đến ngày nay. Người Việt gọi Santa Claus là “Ông già Nô-ên”.
Người Hà Lan sống ở Châu Mỹ lâu ngày, họ sáp nhập ngày lễ Nicholas vào ngày lễ Giáng Sinh của Chúa Jêsus tổ chức ngày 25 tháng 12 mỗi năm. Truyền thống tặng quà của ngày lễ Nicholas cũng sát nhập với truyền thống tặng quà Giáng Sinh.
Người ta nghĩ rằng, lễ Giáng Sinh có thêm ông già Nô-ên là để tượng trưng cho tình yêu thương va lòng quảng đại của Đức Chúa Trời đối với nhân loại.
Ngày xưa, ở Châu Âu người ta cho rằng ông già Nô-ên là người cao và gầy ốm. nhưng nhà văn Irving ở Mỹ mô tả ông già Nô-ên là một ông già mập, đội mũ rộng vành, đi xe do tám tuần lộc kéo lướt trên các ngọn cây nóc nhà để đem quà bỏ vào các ống khói lò sưởi cho các em bé ngoan.
Một giáo sư Thần học của Viện Thần học New York tên Clement Moore đã làm một bài thơ có tựa đề «The visit of Saint Nicholas» đăng trên báo ở New York ngày 23 tháng 12 năm 1823. Trong bài thơ này, ông mô tả ông già Nô-ên có râu trắng, bụng phệ, đội mũ đỏ, mang dày ống đen, mặc quần áo màu đỏ có viền trắng, ngồi trên xe do tám tuần lộc kéo trượt trên tuyết trắng.
Ngày nay, hình ảnh ông già Nô-ên xuất hiện trong mùa Giáng Sinh là sản phẩm của nhà danh họa Thomas Nast vẽ ra hồi thế kỷ 19, dựa theo bài thơ mô tả của Clement Moore.

Thiệp Giáng Sinh đầu tiên do ai tạo ra?

Vào năm 1843, hầu tước Hendry Cole là người đã phác họa ra thiệp Giáng Sinh đầu tiên Anh Quốc. Thiệp vẽ rất đẹp, chứa đựng thông điệp có ý nghĩa Giáng Sinh, nên được nhiều người ưa thích. Tuy là thiệp Giáng Sinh đầu tiên, nhưng hầu tước đã bán được hơn ngàn thiệp cho ban bè để tiêu thụ.
Việc làm thiệp Giáng Sinh trở thành một tiểu công nghệ có lợi nhuận cao nên nhanh chóng bành trướng khắp nơi trên thị trường Anh Quốc.
Đến năm 1875, một người Đức tên là Louis Prang đã in một số thiệp Giáng Sinh đầu tiên để lưu hành trên Bắc Mỹ.






- Phong Lee -

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))