24/12/11

LỊCH SỬ CÁC BÀI THÁNH CA - Phần 3

"Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên. Một thiên sứ của Chúa đến gần họ, và sự vinh hiển của Chúa chói lòa xung quanh, họ rất sợ hãi. Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa. Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ. Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao,
Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!" - Luca 2 : 8-14

Thánh ca 53: KÌA, THIÊN BINH CÙNG NHAU TRỔI HÁT
“Hark, the herald angels sing”




Charles Wesley sáng tác bài thơ này năm 1739. Người ta dùng điệu nhạc khác để hát. Năm 1840, Felix Mendelssohn sáng tác một bản cantata lấy tên là “Đức Chúa Trời là sự sáng” và rút một đoạn trong đó để phổ cho bài thơ này.
Charles Wesley, người Anh là một nhà sáng tác Thánh ca nổi tiếng. Ông sáng tác 2 bài Thánh ca được nhiều người ưa thích “Jêsus đấng hằng yêu thương tôi” (TC 252) ; “Nguyền tình yêu thượng giới giáng lâm” (TC 224). Những bài Thánh ca của Wesley cảm động lòng nhiều người. Đến năm trên 80 tuổi, ông vẫn để nhiều thì giờ suy nghĩ về những việc thuộc linh và sáng tác Thánh ca. Nhiều lần khi cởi ngựa vừa về đến nhà, ông gấp rút chạy vào lớn tiếng gọi : “Lấy viết mau” vì ông vừa được Thánh Linh cảm động sáng tác được một bài Thánh ca, cần ghi chép ngay.
Bài “Kìa thiên binh cùng nhau trổi hát” được sửa chữa nhiều vào năm 1840, lấy ý trong Êsai 9 : 6 ; 2:3-14. Cũng năm 1739, Wesley sáng tác một bài Thánh ca phục sinh : “Ngày nay Chúa phục sinh” (TC 104) dựa trên ICôrinhtô 15:55-57. Tác giả đã cảm động sâu xa về việc Chúa vì loài người trở nên hài nhi, Chúa đã chịu chết để đền tội cho con người và sống lại vì sự cứu rỗi của họ.


Thánh ca 54: PHƯỚC CHO NHÂN LOẠI
“ Joy to the World”




“Phuớc cho nhân loại! Chúa ta ra đời: Trần gian nghinh vua vô đối; kíp mở cửa lòng tiếp rước con Trời, bầu trời vạn vật hoà thinh, bầu trời vạn vật hoà thinh, trời đất xướng ca kính khen vua mình.”
Tiểu sử của Thánh ca này chúng ta đã biết qua lịch sử Thánh ca 44. Isacc Watts sinh năm 1674 tại Anh và mất năm 1748, Ông sinh ra trong gia đình Cơ đốc, cha mẹ đều là Cơ Đốc nhân sốt sắng. Khi còn nhỏ, ông đã làm thơ, nhưng cha ông cấm không cho. Năm 18 tuổi, ông chê thơ ca trong Hội thánh không hay. Cha ông thách thức : Con có thể sáng tác những bài thơ hay hơn không ?
Được dịp, ông sáng tác mỗi tuần một bài thơ, liên tục trong 2 năm. Giữ chức Mục sư năm 21 tuổi, nhưng vì sức khỏe yếu, ông phải chuyển sang làm công tác văn tự, đặc biệt về Thần học, Triết học và thơ Thánh. Ông sống độc thân suốt đời, năm 1719 ông sáng tác bài :"Phước cho nhân loại". Năm 1830 ông Lowell dùng bài thơ nầy phổ nhạc của Handell một đoạn của ca khúc Đấng Mêsi, nó nhanh chóng trở nên bài Thánh ca muôn vạn người thích hát.

Thánh ca 55: HỠI MÔN ĐỒ TRUNG TÍN
“O! Come, all ye faithful”




“Hỡi môn đồ trung tín, dìu dắt nhau vui hát du dương, vô nơi Bết Lê Hem chiêm ngưỡng thật tận tường, Chúa tể muôn sứ thánh nay giáng sanh chổ tầm thường. Mau mau cùng nhau đến tôn thờ, mau mau cùng nhau đến tôn thờ, mau đến nơi đây tôn thờ Chúa Christ, Vua ta.”
Có những tác giả vô danh nhưng lòng yêu mến Chúa lại rất nồng nàn, có những tâm hồn vĩ đại, dâng công lao khó nhọc của mình để hầu việc Chúa nhưng không hề muốn để cho đời sau biết đến tên mình. Tâm tình của những người trung tín luôn muốn dâng lên Chúa những của lễ quí giá hơn hết như là những của lễ có hương thơm dâng lên cho Chúa của Thiên đàng. Không có một phước hạnh nào cao hơn phước hạnh được bước đến tôn thờ Chúa bằng một tâm hồn đơn sơ khiêm tốn.
Bài Thánh ca nầy được in lần đầu trong tập Thánh ca bằng chữ La tinh năm 1751. Nhiều người dịch sang Anh văn, bản dịch của Frederick Oakeley năm 1841 được nhiều người ưa thích. Bản Thánh ca Anh văn xuất bản lần đầu ở Anh năm 1852. Có lẽ tác giả là tín đồ Thiên Chúa Giáo, người công giáo vẫn hát nguyên văn La tinh tựa bài là ADESTE FIDELES.
Nhiều người cho rằng Wantes Cantus Diversi sáng tác nhạc bài Thánh ca nầy. Nhưng các nhà lịch sử âm nhạc cho rằng nhạc rất xưa và không biết do ai sáng tác. Người ta thường gọi là Nhạc Thánh Bồ Đào Nha. Bài nhạc nầy cũng dùng để phổ cho bài “Căn cơ kiên cố” (TC 264).


Thánh ca 59: ĐÊM YÊN LẶNG
"Silent night! Holy night"




“Đêm yên lặng! Đêm thánh này! Vắng vẻ thay! Sáng láng thay! Chung quanh chốn Ma-ri đang ngắm con mình, Con trai thánh rất tươi vui, rất an bình, đương ngơi dưới khung trời vắng, êm đềm giữa đêm yên lặng.”
Nơi xuất xứ bài ca giáng sinh tuyệt diệu này là thung lũng Tyrol vẫn hấp dẫn nhiều du khách, không phải chỉ vì những bức tường hoặc bờ thấp bằng tuyết thôi, mà còn vì sự thông biết âm nhạc phổ biến nơi từng em bé ở đây nữa. Năm 1818, trong làng Obendort bên sườn núi, có 2 thanh niên : Mục sư Joseph Mohr và người bạn của ông Franz Gruber, giáo sư và nhạc sĩ của ngôi nhà thờ tại đây. Cả hai đều yêu thích âm nhạc.
Một ngày trước lễ Giáng sinh, Mục sư Joseph Mohr ngồi yên lặng trong nhà thờ nhìn ra cảnh tượng bên ngoài đầy tuyết phủ.
Trước cảnh thung lủng đẹp đẽ ông thấy lòng mình bình an và vui vẻ, dường như ông được đưa về đêm Giáng sinh đầu tiên ở Bếtlêhem. Những vần thơ tiềm tàng từ lâu, nay thoát ra từng tiếng một : “Đêm yên lặng, đêm thánh này...” Sau đó ông đem ngay bài thơ cho Gruber. Ông này thấy hay quá, phổ nhạc ngay. Hai người tập chung với nhau để tối hôm ấy tôn vinh Chúa trong buổi nhóm. Bài hát ấy đã cảm động lòng người, sự bình an của Chúa bao phủ họ, cùng với tấm lòng cung kính tôn thờ Ngài.
Sau đêm phước hạnh đó, bài hát đã bị bỏ quên. Cuối tháng 11 năm 1819, chiếc đàn phong cầm của Nhà thờ hư, phải sửa. Sau khi sửa xong, người thợ mời ông Gruber đàn thử để xem còn hỏng gì chăng. Ông Gruber đàn bài Đêm yên lặng. Người thợ sửa đàn xin bài hát ấy về phổ biến ở làng mình. Ở một làng khuất sau sườn núi, có 4 chị em ruột nhà Stasser rất yêu thích bài Thánh ca này. Một lần chúng được mời đi hát ở Thành phố Leipsig (Đức). Tại đây, trong ngôi đại giáo đường, bài Thánh ca Đêm yên lặng đã chinh phục thế giới và quen thuộc với toàn thể nhân loại ngày nay mỗi khi mùa Giáng sinh về.


Thánh ca 61: Ô! BẾT-LÊ-HEM ẤP NHỎ!
“O! Little town of Bethlehem"




“Ô Bết-Lê-Hem ấp nhỏ nầy, chốn ngươi thật an bình bấy! Khi ngươi đương giấc mê man không ngờ, ánh sao nhẹ lướt êm tờ. Ấy chốn phát chân quang đời đời, trong đường người đang tăm tối, bao xưa hi vọng, kinh hãi đôi đường, bữa nay gặp giữa đêm trường.”
Ông Phillip Brooks sinh năm 1835, mất năm 1893, là một giáo sĩ truyền giáo. Năm ấy, ngoài 30 tuổi, ông có dịp đi khảo sát tham quan Bết-lê-hem, Giê-ru-sa-lem và một số nơi có liên quan đến cuộc đời Chúa Giê-xu. Trong đêm Giáng sinh tại Bết-lê-hem, ngoài đồng vẫn có những người chăn chiên. Ít lâu sau, ông lại có dịp đến Bết-lê-hem dự nhóm tối (năm 1868) tại một nhà thờ.
Gần đến lễ Giáng sinh, ông về Mỹ. Tự nhiên lòng ông cảm động muốn làm một bài thơ tả cảnh đêm của Bết-lê-hem. Sau khi viết xong bài thơ “Ô Bết-lê-hem ấp nhỏ” ông nhờ ông Lewis H. Redner soạn nhạc. Redner suy nghĩ trong nhiều ngày mà chưa soạn được. Lạ thay ! giữa đêm trước đêm Giáng sinh, ông dường như nghe tiếng hát của Thiên sứ, tỉnh dậy ngay, ông dùng viết ghi lại. Hôm sau ông vui sướng đem bài nhạc đưa cho MS. Brooks, Redner thường bảo : “Đó là món quà từ thiên thượng ban cho tôi”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))